Nóng
lên toàn cầu (global warming) là hiện tượng tăng nhiệt độ liên tục trên bề mặt
trái đất và đại dương trên phạm vi toàn cầu, chứ không chỉ riêng rẽ một quốc
gia hay châu lục nào cả. Tác động của nó đến cuộc sống của con người đã rõ ràng nên cần thiết phải đưa ra các chính sách giải quyết. Cung cấp các chính sách, chương trình hay hành động
làm giảm thiểu tác động của nó tại một quốc gia nào đó thì cũng giống như việc
cung cấp hàng hóa công toàn cầu. Tôi lấy ví dụ, theo thống kê của IEA (2011) Trung
Quốc và OECD lần lượt chiếm 23.7% và 41.5% số lượng CO2 phát thải ra bên ngoài
môi trường. Vì số lượng phát thải CO2 là nguyên nhân chủ yếu gây nên hiện tượng
nóng lên toàn cầu nên việc đưa ra các chính sách làm giảm đi lượng CO2 thì sẽ
giúp giảm thiểu nóng lên toàn cầu. Tôi giả sử rằng, Trung Quốc và OECD thực sự
là “những người anh em tốt của chúng ta” khi họ giảm phát thải CO2 xuống 50% và
nhờ vậy nóng lên toàn cầu giảm xuống. Rõ ràng là người dân ở các nước trên thế
giới được hưởng lợi (trừ một số người thích nóng lên toàn cầu) nhưng Trung Quốc
và OECD thì phải gánh chịu chi phí cho việc thực hiện giảm thiểu CO2 như tôi giả
định ở trên. Như vậy, Trung Quốc và OECD
như đang cung cấp hàng hóa công toàn cầu:
Họ bị tổn thất chi phí cho việc cung cấp “hàng hóa” này nhưng không thể loại trừ
phần còn lại của thế giới những người không bỏ chi phí được hưởng lợi. Nếu vậy thì xét dưới góc độ
hành vi duy lý, nếu bạn là Trung Quốc hay OECD, bạn có chấp nhận là “những người
anh em tốt” hay không? Câu trả lời từ thực tế là: Không, Không và Không. Hội
nghị Copenhagen (2009) đã thất bại trong việc tìm ra tiếng nói chung cho việc cắt
giảm CO2. Lý do gì thì có thể bạn đã biết rồi đấy?