Tuesday, August 06, 2013

Căn nguyên của thịnh vượng và nghèo đói

Truy tìm căn nguyên của sự thịnh vượng và nghèo đói giữa các quốc gia trên thế giới là một chủ đề thu hút được nhiều sự chú ý của các nhà nghiên cứu khoa học xã hội nói chung và các nhà kinh tế học nói riêng. Một câu hỏi tưởng chừng như đơn giản là “Tại sao vẫn tồn tại các quốc gia giàu có với mức thu nhập cao và tiêu chuẩn sống tốt trong khi còn nhiều quốc gia khác chìm đắm trong nghèo đói và lạc hậu?” nhưng vẫn chưa tìm được câu trả lời thống nhất mặc dù đã có nhiều nhà nghiên cứu đưa ra các giả thuyết khác nhau để cố gắng lý giải thực tế này. Bài viết này tóm lược các quan điểm tranh luận về căn nguyên cho thịnh vượng và nghèo đói theo phân loại ba nhóm giả thuyết là giải thuyết địa lý, giả thuyết văn hóa, và giả thuyết thể chế.  

Giả thuyết địa lý cho rằng vị trí địa lý của quốc gia, được đặc trưng bởi thời tiết và khí hậu có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả kinh tế. Vào năm 1748, Motesquieu, một nhà bình luận xã hội và tư tưởng chính trị người Pháp, đã từng cho rằng con người sống ở vùng ôn đới thường có xu hướng làm việc chăm chỉ trong khi người lao động ở vùng khi hậu nóng thường lười làm việc. Ông đã dùng yếu tố khí hậu, cụ thể là sự khác biệt giữa khí hậu ôn đới và nhiệt đới, để lý giải nguyên nhân khác biệt sự giàu có giữa các quốc gia. Trong khi đó, Jared Diamond một nhà nghiên cứu về sinh vật học lại cho rằng yếu tố địa lý có ảnh hưởng đến sự phát triển của một quốc gia thông qua sự phân bố của chủng loài sinh vật. Trong quyển sách “Súng, Vi trùng, và Thép”, Diamond đã lý giải rằng những vùng đất có tính đa dạng sinh học sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển sản xuất nông nghiệp khi có sự hỗ trợ của các loài sinh vật. Cụ thể, ông cho rằng việc thuần hóa thành công các loài động vật sẽ tạo nên một sự đột phát về “cách mạng” trong sản xuất nông nghiệp khi những con vật như trâu, bò, ngựa rừng được thuần hóa thành công sẽ trở thành những công cụ hữu hiệu để sản xuất nông nghiệp. Chính sự đa dạng sinh học và khả năng thuần hóa thành công động vật hoang dã sẽ là yếu tố quan trọng tạo nên tính lan truyền “công nghệ” trong sản xuất nông nghiệp. Dựa trên lập luận ấy, Diamond cho rằng châu Phi nghèo là bởi nó thực sự không phải là châu lục có tính đa dạng sinh học cao và châu lục này cũng không “may mắn” khi có nhiều động vật hoang dã khó thuần hóa. Ngoài ra, Diamond còn dùng yếu tố địa lý dựa trên tính khác biệt về địa hình để lý giải vì sao phương Tây, cụ thể là châu Âu, lại dân chủ và giàu có hơn phương Đông. Ông cho rằng, địa hình phương Tây với đặc trưng bị chia cắt bởi nhiều núi cao nên các nhóm dân cư sẽ sống trong một lãnh địa mà không bị xâm chiếm bởi các lãnh địa khác. Do đó, việc hình thành nên các quốc gia riêng biệt có tính dân chủ là dễ dàng. Trong khi đó, phương Đông có địa hình tương đối bằng phẳng với các đồng bằng rộng lớn nối liền nhau tạo nên điều kiện để các vua chúa phong kiến có thể thống lĩnh dễ dàng để tạo nên một quốc gia thống nhất và kiểm soát hoàn toàn. Tính dân chủ ở các quốc gia phương Đông này cũng ở mức độ thấp hơn. Như vậy, giải thuyết địa lý của Jared Diamond khá rộng khi lý giải căn nguyên giàu có của các quốc gia, có thể gọi giả thuyết địa sinh học. Một nhà kinh tế học có tầm ảnh hưởng lớn khác của trường phái giả thuyết địa lý là Jeffrey Sachs. Sachs cho rằng yếu tố địa lý quyết định mức thu nhập của các quốc gia trên thế giới. Ông cho rằng không phải ngẫu nhiên mà các nước nghèo đều tập trung ven đường xích đạo, nơi có khí hậu nhiệt đới nóng ẩm. Cụ thể lý giải nguyên nhân nghèo đói của khu vực hạ-Sahara châu Phi, Sachs và cộng sự trong các nghiên cứu của ông cho rằng các các quốc gia ở đây biệt lập, không có đường bờ biển bao quanh. Đây là nguyên nhân làm cho việc đi lại khó khăn, và chi phí cho giao thông vận tải cao sẽ cản trở sự phát triển của nền kinh tế. Hơn nữa, tính cát cứ và chia cắt của các vùng, hay các quốc gia sẽ hạn chế khả năng xâm nhập của kinh tế thị trường tại đây. Ngoài ra, Sachs còn sử dụng giả thuyết “Lời nguyền của nhiệt đới” để lý giải sự đói nghèo ở các quốc gia có khí hậu nóng ẩm. Khí hậu nhiệt đới nóng, ẩm là môi trường rất thuận lợi cho việc phát sinh và phát tán các căn bệnh như sốt rét. Bệnh tật làm suy giảm sức khỏe, và như hệ quả năng suất lao động thấp. Bên cạnh đó, theo Sachs về mặt vật lý, đất đai ở các nước nhiệt đới thường ít màu mỡ, dễ bị rửa trôi nên không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, một ngành quan trọng của các nước nhiệt đới. Năng suất nông nghiệp thấp làm cho các quốc gia nhiệt đới vẫn nghèo. “Lời nguyền tài nguyên” cũng được một số nhà kinh tế học sử dụng khi nói về sự nghèo đói của các quốc gia nhiệt đới. Mặc dù cố gắng đưa ra nhiều bằng chứng khá thú vị nhưng trường phái giả thuyết địa lý vẫn bị nhiều chỉ trích từ các trường phái khác. Ví dụ, Daron Acemoglu và các cộng sự chỉ ra một số vùng mặc dù có cùng địa lý nhưng trước kia rất giàu, nay lại rất nghèo như vùng Aztecs và Incas ở châu Mỹ, hay Mughals ở Ấn Độ. Trong khi đó, Úc và Bắc Mỹ trước kia là quốc gia kém phát triển nhưng bây giờ lại rất giàu có. Theo các nhà nghiên cứu này, địa lý không thể giải thích được sự thay đổi trong mức thu nhập giữa các quốc gia này. 

Giả thuyết thứ hai được xem khá thuyết phục trong việc lý giải sự giàu có và nghèo đói là giải thuyết văn hóa. Giả thuyết văn hóa cho rằng chính các giá trị, niềm tin và sự ưa thích trong xã hội về lao động chăm chỉ, cần cụ, và tiết kiệm sẽ tác động đến hành vi của các công dân sống trong xã hội đó. Và điều này giúp cho quốc gia có văn hóa như vậy có năng suất lao động cao. Một nhà nghiên cứu đại diện cho trường phái này Max Weber. Có một số nền văn hóa khuyến khích hợp tác trong khi một số khác thì không. Một điều khó khăn cho giả thuyết này là rất khó để đo lường chính xác được “văn hóa”.

Giả thuyết thứ ba, giả thuyết thể chế được phát triển trong thời gian gần đây bởi Acemoglu và các cộng sự cũng cố gắng lý giải căn nguyên của nghèo đói và thịnh vượng. Tiếp cận thể chế của Acemoglu và các cộng sự rất mới so với tiếp cận thể chế trước đây của Ronald Coase hay Williamson khi họ đưa vào xem xét yếu tố thể chế chính trị. Acemoglu cho rằng thể chế kinh tế thông qua việc thiết lập các luật chơi tạo động cơ khuyến khích về mặt kinh tế cho các chủ thể trong xã hội và bảo đảm quyền sở hữu tài sản tư nhân là quan trọng nhất để gia tăng năng suất và tạo ra sự giàu có của các quốc gia. Nếu một thể chế kinh tế tốt tạo ra được động cơ kinh tế thúc đẩy xã hội phát triển như vậy được gọi là thể chế kinh tế dung hợp (inclusive economic institutions). Ngược lại nếu một thể chế kinh tế tồi tệ, không tạo ra được động cơ lao động của các cá nhân trong xã hội và hình thành nên các nhóm lợi ích làm giàu cho mình dựa trên nguồn lực xã hội được gọi là thể chế kinh tế bòn rút (exclusive economic institutions). Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, Acemoglu và các cộng sự cho rằng yếu tố thể chế chính trị (political institutions) mới là cội nguồn cho tất cả. Chính loại hình thể chế chính trị cụ thể sẽ quy định thể chế kinh tế tương ứng. Cụ thể, thể chế chính trị dung hợp (inclusive political institutions) nơi mà trong đó xã hội được quản lý bởi nền hệ thống luật pháp chặt chẽ, tính dân chủ cao sẽ định hình nên thể chế kinh tế dung hợp, Ngược lại, thể chế chính trị bòn rút (exclusive political institutions) sẽ tạo nên thể chế kinh tế bòn rút. Trong quyển “Tại sao các quốc gia thất bại?” Daron Acemoglu và James Robinson đã đưa ra rất nhiều dẫn chứng thí nghiệm lịch sử để làm cơ sở cho lập luận của mình. Nổi bật trong đó, các tác giả đã đưa ra giả thuyết về “Sự đảo chiều của vận may” (The Reversal of Fortune) để bác bỏ giả thuyết địa lý khi cho rằng có một số quốc gia có địa lý không thay đổi nhưng vẫn giàu lên từ nghèo khó do thể chế tốt (dung hợp) như Hoa Kỳ, Canada, Úc. Đồng thời các tác giả đưa ra ví dụ trên Bán đảo Triều Tiên để đả phá giả thuyết văn hóa khi cho rằng văn hóa và con người trên bán đảo Triều Tiên là tương đồng nhưng nguyên nhân Nam Hàn giàu có trong khi Bắc Hàn nghèo nàn, lạc hậu là do thể chể quyết định. Tuy nhiên ví dụ này bị phản bác lại bởi các nhà nghiên cứu khác khi họ cho rằng khó có thể dùng hình ảnh bán đảo Triều Tiên, một trường hợp quá đặc biệt, để khái quát cho cả thế giới. 

Mặc dù có một số giả thuyết khác như may mắn, hội nhập, ba giả thuyết địa lý, văn hóa, thể chế được xem là có nhiều ảnh hưởng hiện nay trong việc lý giải căn nguyên của thịnh vượng và nghèo đó trên thế giới. Một điều cần lưu ý là trong các giả thuyết trên, địa lý, và may mắn khó có thể thay đổi, văn hóa thì thường tiến hóa chậm, và nằm trong sự kiểm soát trực tiếp của xã hội. Chỉ có thể chế là có thể thay đổi được. Có lẽ chính vì vậy mà gần đây giả thuyết thể chế đang được ủng hộ bởi nhiều nhà nghiên cứu. Tuy nhiên, sự tranh cãi về căn nguyên của thịnh vượng và nghèo đói trên thế giới vẫn thực sự chưa đi đến hồi kết. Điều này sẽ càng làm cho chủ đề nghiên cứu này càng trở nên thú vị và hứa hẹn sẽ nhiều khám phá mới trong tương lai. 

Lưu ý: Các bạn có thể đọc và trao đổi bài này tại trang nhà của Khoa Kinh tế Phát triển (UEH), mục Trao đổi học thuật.