Sunday, May 11, 2014

Tiến triển thu nhập liên thế hệ

Hoa Kỳ thường được xem là "vùng đất của những cơ hội", nơi mà cơ hội thoát nghèo và gia nhập nhóm có thu nhập cao trong xã hội của một người (thế hệ hiện tại) phụ thuộc rất ít hay dường như không vào nền tảng gia đình mà cụ thể là trình độ giáo dục và thu nhập của bố mẹ (thế hệ trước). Kết quả nghiên cứu mới nhất của Chetty và cộng sự (2014) chỉ ra rằng không có một kết quả rõ ràng cho nhận định trên bởi Hoa Kỳ là một tập hợp các xã hội khác nhau mà trong mỗi xã hội ấy cơ hội để thoát nghèo và thành công cho các cá nhân đến lập nghiệp cũng khác nhau. Một số bang đem đến cơ hội để một người có thể lọt vào nhóm những người giàu nhất mà phụ thuộc rất nhỏ vào nền tảng gia đình, tức là hệ số co giãn thu nhập liên thế hệ (intergenerational income/earnings elasticities - đo lường độ co giãn về thu nhập của người con với thu nhập của bố cậu ấy) rất thấp, hay một cách tương phản hệ số về tiến triển thu nhập liên thế hệ (intergenerational income/earnings mobility) rất cao như Williston. Một số bang có hình mẫu trái ngược như Atlanta. 


Đây là một nghiên cứu thú vị nằm trong chủ đề về tiến triển thu nhập liên thế hệ (intergenerational income/earnings mobility) thuộc kinh tế học lao động được quan tâm trong một thời gian dài bởi nó phản ánh sự tiến triển của một xã hội theo thời gian dưới góc độ thành quả kinh tế, tức là chúng ta nhìn nhận sự phát triển của xã hội dưới góc độ kinh tế không phải chỉ là một “lát cắt” tại một thời điểm. Hơn thế nữa, các nghiên cứu như vậy quan trọng về mặt hàm ý chính sách bởi nó cung cấp thông tin về bình đẳng về cơ hội (equality in opportunities) trong một xã hội. Bình đẳng về cơ hội đơn giản được hiểu là mọi cá nhân về cơ bản đều có khả năng tiếp cận cơ hội thành công bất kể nền tảng gia đình là như thế nào đi chăng nữa. Ví dụ, một xã hội mà một người là con em nông dân (bố mẹ có thu nhập thấp) và một người xuất thân từ gia đình giàu có (bố mẹ là CEO của ngân hàng chẳng hạn) đều có cơ hội thành công như nhau phụ thuộc phần lớn vào năng lực của chính người ấy ở hiện tại chứ không phải là nền tảng của bố mẹ thì xã hội đó được xem là ‘vùng đất của những cơ hội.’ Đã từ lâu chúng ta thường nghe nói đến cụm từ ‘Giấc mơ Mỹ’ (American Dream) để ám chỉ cho vấn đề này. Tuy nhiên các tổng hợp nghiên cứu quan trọng của Solon (1999), Grawe và Mulligan (2002), hay Black và Devereux (2011) đã chỉ ra rằng Hoa Kỳ không phải là ‘vùng đất của những cơ hội’ số một trên thế giới khi so sánh với các quốc gia phát triển khác. Ví dụ, nhiều quốc gia phát triển khác có chỉ số tiến triển xã hội liên thế hệ (dưới khía cạnh kinh tế) còn lớn hơn cả Hoa Kỳ. Tức là mức độ công bằng trong cơ hội thành công cho những đứa trẻ ở đó còn lớn hơn cả Hoa Kỳ bất kể nền tảng gia đình của chúng thế nào đi nữa. Hình bên dưới minh họa so sánh giữa các quốc gia.

International Income Mobility (chart)

Theo kết quả này, các nước như Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Canada nằm ở vị trí đầu tiên cho tiến triển thu nhập liên thế hệ cao nhất thế giới, tiếp đến là Úc, Thụy Điển, Đức, Nhật Bản. Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận một sự thật là cấu trúc xã hội của Hoa Kỳ là phức tạp trong so sánh với các nước phát triển khác. Khía cạnh cấu trúc xã hội này được thể hiện qua tính đa dạng và khác biệt giữa các bang trong Hoa Kỳ. Tức là Hoa Kỳ được xem là một tập hợp của nhiều xã hội, hay thậm chí là nhiều quốc gia khác nhau. Nếu nhận định này được cho phù hợp, việc lấy mẫu nghiên cứu về tương quan thu nhập liên thế hệ mà không tính đến yếu tố địa lý một cách cụ thể thì kết quả nghiên cứu sẽ bị chệch đáng kể. Nghiên cứu mới nhất của Chetty và cộng sự (2014) đã khắc phục nhược điểm này mà các trước nghiên cứu trước đó không làm được khi sử dụng bộ số liệu rất lớn trên toàn quốc để nghiên cứu tương quan về thu nhập liên thế hệ theo các bang trên toàn quốc. Yếu tố địa lý được xem xét cụ thể thông qua số liệu về khu vực dân cư sinh sống. Kết quả nghiên cứu được minh họa như sau:



Theo hình trên các vùng có màu nhạt (vàng, trắng) có tiến triển thu nhập liên thế hệ rất cao trong khi các vùng có màu đậm (vàng đậm, đỏ) có mức tiến triển thu nhập liên thế hệ thấp. Rõ ràng, các vùng ở miền Trung Hoa Kỳ là ‘vùng đất cơ hội’ với mức độ lớn có thể so sánh với các nước phát triển khác như đề cập ở trên. Trong khi đó, các vùng khác ở miềng Đông hay ven bờ Tây đưa đến ít cơ hội thoát nghèo cho những đứa trẻ ở đây trong mối tương quan thu nhập với bố mẹ chúng. Ngoài ra, nghiên cứu Chetty và cộng sự (2014) còn có giá trị hơn bất kỳ nghiên cứu nào khi đưa chỉ ra cơ chế nhân quả (causal mechanism) của tiến triển thu nhập liên thế hệ ở Hoa Kỳ bên cạnh tương quan (correlations) giữa thu nhập của cha mẹ và con trẻ. Nghiên cứu có ý nghĩa rất lớn về chính sách đối với giáo dục, di cư, và lựa chọn chính sách phát triển.Xem thêm minh họa tại New York Times