Sunday, May 20, 2012

Giá sẵn lòng trả trung bình của thế giới để giảm thiểu tác động của nóng lên toàn cầu là bao nhiêu?

Nóng lên toàn cầu (global warming) là hiện tượng tăng nhiệt độ liên tục trên bề mặt trái đất và đại dương trên phạm vi toàn cầu, chứ không chỉ riêng rẽ một quốc gia hay châu lục nào cả. Tác động của nó đến cuộc sống của con người đã rõ ràng nên cần thiết phải đưa ra các chính sách giải quyết. Cung cấp các chính sách, chương trình hay hành động làm giảm thiểu tác động của nó tại một quốc gia nào đó thì cũng giống như việc cung cấp hàng hóa công toàn cầu. Tôi lấy ví dụ, theo thống kê của IEA (2011) Trung Quốc và OECD lần lượt chiếm 23.7% và 41.5% số lượng CO2 phát thải ra bên ngoài môi trường. Vì số lượng phát thải CO2 là nguyên nhân chủ yếu gây nên hiện tượng nóng lên toàn cầu nên việc đưa ra các chính sách làm giảm đi lượng CO2 thì sẽ giúp giảm thiểu nóng lên toàn cầu. Tôi giả sử rằng, Trung Quốc và OECD thực sự là “những người anh em tốt của chúng ta” khi họ giảm phát thải CO2 xuống 50% và nhờ vậy nóng lên toàn cầu giảm xuống. Rõ ràng là người dân ở các nước trên thế giới được hưởng lợi (trừ một số người thích nóng lên toàn cầu) nhưng Trung Quốc và OECD thì phải gánh chịu chi phí cho việc thực hiện giảm thiểu CO2 như tôi giả định ở trên. Như vậy, Trung Quốc và OECD như đang cung cấp hàng hóa công toàn  cầu: Họ bị tổn thất chi phí cho việc cung cấp “hàng hóa” này nhưng không thể loại trừ phần còn lại của thế giới những người không bỏ chi phí  được hưởng lợi. Nếu vậy thì xét dưới góc độ hành vi duy lý, nếu bạn là Trung Quốc hay OECD, bạn có chấp nhận là “những người anh em tốt” hay không? Câu trả lời từ thực tế là: Không, Không và Không. Hội nghị Copenhagen (2009) đã thất bại trong việc tìm ra tiếng nói chung cho việc cắt giảm CO2. Lý do gì thì có thể bạn đã biết rồi đấy?

Việc đưa ra các chính sách (và phải chịu chi phí) cho việc giảm thiểu nóng lên toàn cầu sẽ đem lại lợi ích. Nhưng lợi ích là bao nhiêu? Ai sẽ đánh giá nó? Trong một xã hội dân chủ, trước khi đưa ra một quyết định quan trọng các nhà hoạch định chính sách thường tham khảo ý kiến của toàn thể thành viên trong xã hội thông qua một cuộc trưng cầu dân ý: Phần lớn người dân trong xã hội có ủng hộ chính sách hay không? Phần lớn người dân có cảm thấy hạnh phúc hơn khi chính sách được thực hiện hay không? Sở dĩ thông tin này cũng quan trọng tham khảo cho việc ra chính sách vì chi phí cho việc thực hiện chính sách thường từ ngân sách quốc gia mà nguồn thu chủ yếu là từ thuế. Rõ ràng, người dân là người tốn chi phí cho việc thực hiện chính sách nên việc tham khảo ý kiến của họ cũng là một điều cần thiết. Tại sao phải là chi phí từ ngân sách chính phủ mà không phải là tư nhân? Một lần nữa là bởi vì, cung cấp chính sách như giảm thiểu tác động của nóng lên toàn cầu là cung cấp hàng hóa công mà tư nhân không có động cơ tham gia. Các nguyên thủ quốc gia tập trung ngồi lại với nhau ở Copenhagen (2009) để bàn về vấn đề có nên thực hiện chính sách cắt giảm CO2 hay không, nhưng câu hỏi đặt ra là họ có biết suy nghĩ của người dân đất nước họ ra sao về vấn đề này: Người dân nước họ sẵn lòng trả bao nhiêu tiền cho việc thực hiện chính sách cắt giảm CO2? Giá sẵn lòng trả của người dân sẽ đo lường lợi ích của chính sách và sẽ đưa ra thông tin là có đáng bỏ chi phí ra để thực hiện chính sách hay không? 

Vì nóng lên toàn cầu tác động đến cuộc sống của con người trên phạm vi toàn cầu, và giải quyết nó cũng phải có sự hợp tác toàn cầu nên thật là lý tưởng nếu chúng ta khám phá được lợi ích của cả thế giới nếu giảm thiểu tác động của nó thông qua trả lời câu hỏi: “Giá sẵn lòng trả trung bình của thế giới để giảm thiểu tác động của nóng lên toàn cầu là bao nhiêu?”. Đây là một câu hỏi rất lớn đối với các nhà kinh tế học môi trường mà chưa có bất kỳ nghiên cứu nào trả lời nó. Tôi hy vọng trong tương lai có một nghiên cứu ở quy mô toàn cầu giúp trả lời được câu hỏi này. Nhưng vì sao tôi lại mong chờ một nghiên cứu như vậy? 

Gần đây đã có một số nghiên cứu đo lường giá sẵn lòng trả (WTP) của người dân cho chính sách giảm thiểu nóng lên toàn cầu (tập trung chủ yếu ở các nước phát triển) nhưng các nghiên cứu này thường được thực hiện ở một quốc gia. Markantonis và Bithas (2010) dùng phương pháp đánh giá ngẫu nhiên (CVM) được ước lượng WTP của người dân Hy Lạp. Akter và Bennett (2011) đánh giá WTP của người dân Úc cho chính sách giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu. Xuất sắc hơn cả có lẽ là Carlsson và cộng sự (2012) thực hiện một nghiên cứu đa quốc gia để đo lường WTP của người dân cho việc giảm CO2. Nghiên cứu này được thực hiện ở Thụy Điển, Hoa Kỳ và Trung Quốc. Rõ ràng sẽ thật là lý tưởng nếu nghiên cứu kiểu này được thực hiện trên phạm vi toàn cầu. Nghiên cứu thường dùng bảng câu hỏi để hỏi ý kiến của người dân về giá trị mà theo chính bản thân họ về lợi ích của chính sách. Trong mỗi nghiên cứu khác nhau, như  ví dụ đã nêu thì các bảng câu hỏi khác nhau, thiết kế nghiên cứu khác nhau. Rõ ràng việc so sánh các kết quả nghiên cứu riêng rẽ như vậy cũng khó thực hiện vì sự khác biệt trong việc thực hiện khảo sát. Do đó, nghiên cứu toàn cầu mà tôi hàm ý ở đây là thực hiện phương pháp đồng nhất (thiết kế nghiên cứu, bảng câu hỏi) và cả quản lý khảo sát cho các nước trên thế giới (nơi mà được thực thiện khảo sát). Như vậy, sẽ hạn chế được tối đa có thể hiện tượng chệch khi so sánh giữa WTP các quốc gia.

Các nghiên cứu trong chủ đề này thường sử dụng phương pháp phát biểu sở thích (stated preferences) như CVM để thông tin về sự ưa thích của người được khảo sát về một “hàng hóa” cụ thể. Các hàng hóa được chọn đánh giá thường không tồn tại thị trường cho nó, và việc cung cấp nó rõ ràng đem lại các giá trị phi thị trường. Trong các nghiên cứu về WTP cho giảm thiểu nóng lên toàn cầu/biến đổi khí hậu cũng vậy, cần thiết phải xây dựng hàng hóa để người được khảo sát phát biểu sự ưa thích (thông qua WTP) cho nó. “Hàng hóa” ở đây là các chương trình/chính sách để thực hiện giảm thiểu tác động của nóng lên toàn cầu. Tuy nhiên, hiện nay thật khó so sánh WTP giữa các nước (đã được làm nghiên cứu) khi mà “hàng hóa” được đánh giá trong mỗi nghiên cứu là khác nhau. Ví dụ, Akter and Bennett (2011) sử dụng “Carbon Pollution Reduction Scheme” do chính phủ Úc xây dựng để cho người dân đánh giá có nên thực hiện hay không. Hui Li và cộng sự (2004) hỏi ý WTP của người được phỏng vấn về nghị định thư Kyoto. Carlson và cộng sự (2012) dựa vào các kịch bản về mức giảm phát thải đến năm 2050 của Ủy ban liên chính phủ về biến đối khí hậu (IPCC, 2007) để đánh giá. Như vậy, sẽ là lý tưởng nếu chúng ta có cùng một “hàng hóa” cho người dân trên toàn thế giới đánh giá thì việc so sánh WTP giữa các nước, và các khu vực thuyết phục hơn. 

Đương nhiên việc thực hiện được một nghiên cứu như vậy cũng không phải dễ dàng khi cần sự hợp tác của cả thế giới, và nó cũng giống như bản chất của vấn đề mà chúng ta đang đề cập ở đây: Nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu, vấn đề toàn cầu!

Tài liệu tham khảo
Akter, S.  and J. Bennett. 2011. Household perceptions of climate change and preferences for mitigation action: the case of the Carbon Pollution Reduction Scheme in Australia. Climatic Change: 1-20.
Carlsson, F., M. Kataria, A. Krupnick, E. Lampi, Å. Löfgren,  P. Qin, S. Chung, and T. Sterner. 2012. Paying for Mitigation: A Multiple Country Study. Land Economics
Hui Li, Robert P.Berrens, Alok K.Bohara, Hank C.Jenkins-Smith, Carol L.Silva ,David L.Weimer (2004). Would developing country commitments affect US households’ support for a modified Kyoto Protocol? Ecological Economics 48: 329-343.
IEA (International Energy Agency). 2011. Key World Energy Statistics.
Markantonis, V. and K. Bithas. 2010. The application of the contingent valuation method in estimating the climate change mitigation and adaptation policies in Greece. An expert-based approach. Environment, Development and Sustainability 12: 807-24