Tuesday, April 16, 2013

Chúc mừng Raj Chetty

John Bates Clark Medal năm 2013 được trao cho Raj Chetty, giáo sư kinh tế học tại Đại học Harvard. Chetty thực sự là một “thiên tài” trẻ tuổi trong giới kinh tế học hiện nay với những đóng góp trong lĩnh vực nghiên cứu kinh tế học khu vực công (đặc biệt là chính sách thuế, bảo hiểm xã hội, và giáo dục). Chetty sinh ngày 04 tháng 08 năm 1979 tại Ấn Độ, nhận bằng Tiến sĩ kinh tế tại Đại học Harvard năm 2003 lúc mới 23 tuổi, và mười năm sau ông nhận John Bates Clark Medal (2013) lúc 33 tuổi. Bài viết này là bản dịch giới thiệu về những đóng góp quan trọng của Chetty, giúp ông nhận được John Bates Clark Medal năm nay từ Hiệp hội Kinh tế học Hoa Kỳ. Mọi sai sót chuyển ngữ thuộc về người dịch.
Hội đồng khen thưởng và vinh danh Hiệp hội Kinh tế học Hoa Kỳ
Tháng ba 2013

Người dịch: Đặng Đình Thắng

Raj Chetty là kinh tế gia trẻ tuổi có nhiều ảnh hưởng bởi những công trình nghiên cứu của ông về chính sách thuế, bảo hiểm xã hội, và chính sách giáo dục. Ông sử dụng những bằng chứng mới về hành vi con người để tạo ra các kết quả nghiên cứu trong các tiểu bộ môn khác nhau thuộc kinh tế học. Lấy ví dụ, co giãn cung lao động được ước lượng từ dữ liệu vi mô (micro-level data) thường cho thấy tác động hạn chế của sự thay đổi tỷ lệ lương sau thuế (after-tax wage rate) lên cung lao động. Lý thuyết kinh tế học vĩ mô theo truyền thống tìm ra độ co giãn tại điểm cân bằng lớn hơn đáng kể. Trong nghiên cứu Bounds on Elasticities with Optimization Frictions: A Synthesis of Micro and Macro Evidence on Labor Supply”, Chetty đã phát triển một mô hình trong đó thái độ không quan tâm (inattention) hay chi phí hiệu chỉnh (adjustment costs) cản trở các cá nhân thay đổi hành vi khi có sự thay đổi về chính sách, điều này dẫn đến kết luận rằng sự thay đổi chính sách chỉ có tác động hạn chế đến hành vi. Tuy nhiên, trong mô hình của Chetty, những sự thay đổi lớn hơn lại nhận được sự quan tâm của người dân và dẫn đến các phản ứng, điều này có thể giải thích tại sao sự thay đổi chính sách thuế với “cường độ” lớn gây ra các tác động lớn hơn, và tại sao số giờ làm việc ít thay đổi so với quyết định tham gia thị trường lao động. 

Trong nghiên cứu Adjustment Costs, Firm Responses, and Micro vs. Macro Labor Supply Elasticities: Evidence from Danish Tax Records,” Chetty tìm ra các lý do giải thích tại sao độ co giãn theo cá nhân (individual-level elasticities) là không đáng kể. Một cách giải thích là không có khả năng thay đổi số giờ làm việc đối với một công việc cụ thể. Nếu một người muốn thay đổi công việc để có số giờ làm việc ít hơn, và do đó có tỷ lệ thuế biên thấp hơn, thì chi phí thay đổi (switching costs) hàm ý rằng chỉ những sự thay đổi rất nhỏ của tỷ lệ thuế biên mới dẫn đến thay đổi công việc. Cách giải thích thứ hai là chủ doanh nghiệp tối ưu hóa các kết hợp số giờ thuê nhân công và mức lương để tối thiểu hóa tổng tiền thuế mà doanh nghiệp phải trả, và do đó thu nhập chịu thuế (taxable earnings) cho một người lao động chỉ là một sự gia tăng nhỏ của thuế suất biên. Chetty và cộng sự sử dụng dữ liệu ở Đan Mạch về người lao động phản ứng với sự thay đổi lớn của thuế, và doanh nghiệp lựa chọn các kết hợp số giờ thuê nhân công và mức lương để tối ưu hóa tiền thuế nhân công.

Trong nghiên cứu được trích dẫn nhiều nhất, “Salience and Taxation: Theory and Evidence”, Chetty đã giả thuyết rằng thuế doanh thu ít ảnh hưởng hành vi của người tiêu dùng hơn là mức giá, và đưa ra hai ví dụ. Thứ nhất, ông sử dụng dữ liệu doanh thu bia ở cấp tiểu bang (state-level) để chỉ ra rằng thay đổi thuế doanh thu có tác động nhỏ hơn so với tác động từ mức giá niêm yết. Thứ hai, các tác giả (Chetty và các cộng sự) đã thuyết phục một cửa hàng bán lẻ lớn báo giá một số sản phẩm có chi phí tương đối cao bao gồm luôn cả thuế doanh thu (sales-tax-inclusive prices), trong khí các sản phẩm khác được niêm yết mức giá trước thuế. Sử dụng phương pháp khác biệt-trong-khác biệt-trong-khác biệt (difference-in-difference-in-difference), các tác giả khám phá ra rằng việc niêm yết mức giá bao gồm thuế sau cùng (final tax-inclusive prices) dẫn đến mức doanh thu thấp hơn. Các quan sát được lựa chọn ngẫu nhiên đã nhận thức được sự tồn tại (và tỷ lệ) của thuế doanh thu, do vậy việc bỏ qua thuế không thể giải thích được kết quả. Cuối cùng, Chetty chỉ ra rằng do tác động lựa chọn ưu tiên (tạm dịch từ “salience effect”), người tiêu dùng phải gánh chịu thêm thuế doanh thu đáng kể nhiều hơn so với kết quả mà lý thuyết tài chính công truyền thống xây dựng. 
Chetty khám phá tác động từ xu hướng thông tin đầy đủ (well-documented tendency) của người đóng thuế đối với ước lượng quá mức khả năng bị phát hiện nếu họ trốn thuế trong nghiên cứu “Is the Taxable Income Elasticity Sufficient to Calculate Deadweight Loss? The Implications of Evasion and Avoidance.”. Ông phát triển một công thức tính lại độ co giãn khi đưa thêm các tác động này vào. 

Trong nghiên cứu “Using Differences in Knowledge across Neighborhoods to Uncover the Impacts of the EITC on Earnings”, Chetty sử dụng số liệu doanh thu thuế ở Hoa Kỳ để hỏi khả năng người nhận EITC (Earned Income Tax Credit) có tối ưu hóa số tiền thuế hoàn trả hay không. Tối ưu hóa ràng buộc bởi hành vi khác biệt (heterogeneous behavior) giữa các cá nhân tọa lạc ở các địa điểm khác biệt theo hình mẫu phi tuyến. Ông và cộng sự chỉ ra rằng có khác biệt  giữa các khu vực địa lý ở Hoa Kỳ về phạm vi mà các hộ sản xuất tại gia (self-employed) tối ưu hóa, và hành vi tối ưu hóa thuế dường như phổ biến ở các vùng từ người lao động sản xuất tại gia đến thu nhập W-2. Cuối cùng, các tác giả minh họa độ nhạy tổng quan nhỏ của cung lao động đối với EITC, nhưng tác động lớn hơn rất nhiều đối với hàng xóm và các tác động này tương tự với hành vi tối đa hóa tiền thuế hoàn trả EITC về khía cạnh tài chính. 
Một câu hỏi quan trọng cho chính sách thuế ở Hoa Kỳ là có hay không khả năng các khuyến khích tiết kiệm như 401(k) và IRA làm tăng số tiền tiết kiệm hưu trí, và khả năng những người đóng thuế phổ thông (savvy taxpayer) sẽ chuyển tài sản từ tài khoản chịu thuế (taxable account) sang tài khoản lợi-thuế (tax-preferred account) mà không thay đổi tiền tiết kiệm. Bằng chứng về 401(k) ở Hoa Kỳ khuyến nghị rằng tác động tiết kiệm (savings effect) nếu chỉ do tính chất thay đổi trong các chính sách sẽ làm tăng đóng góp của các cá nhân có ít tài sản. Tuy nhiên bằng chứng dựa trên IRA thì cho kết quả nhiều chiều. Trong nghiên cứu “Active vs. Passive Decisions and Crowd-out in Retirement Savings Accounts: Evidence from Denmark”, Chetty và các cộng sự chỉ ra rằng hầu hết người đóng thuế không lên tiếng công khai đối với sự thay đổi chính sách thuế mặc dù nó tác động đến tài khoản tiết kiệm của họ. Tuy nhiên, người gửi tiết kiệm chủ động (active savers) phản ứng nhanh với sự thay đổi của mã thuế. Kết quả là tính chất thay đổi trong các kế hoạch tiết tiệm được cung cấp bởi chủ doanh nghiệp (employer-provided savings plans) làm tăng số tiền tiết kiệm đối với người gửi tiền tiết kiệm bị động (passive savers) trong khi các khuyến khích tiết kiệm theo IRA dẫn đến thay đổi hoàn toàn đối với người gửi tiết kiệm chủ động, vì vậy nó triệt tiêu bất kỳ sự gia tăng nào trong tổng tiết kiệm (quốc gia). 

Trong nghiên cứu “Dividend Taxes and Corporate Behavior: Evidence from the 2003 Dividend Tax Cuts”, Chetty  sử dụng kết hoạch giảm thuế năm 2003 đối với một số loại cổ tức để ước lượng sự phản ứng của tiền chi trả cổ tức theo sự thay đổi thuế. Lựa chọn ưu tiên không phải là vấn đề đối với các doanh nghiệp trong quan này – họ tăng đáng kể sô tiền chi trả cổ tức khi có sự thay đổi về thuế. Hơn thế nữa, các doanh nghiệp đạt được tăng cổ tức lớn nhất khi họ là các doanh nghiệp có cơ hội  đầu tư nội bộ thấp nhất, đại diện bởi mức thấp nhất của tăng trưởng kỳ vọng. Một kết quả bất ngờ là doanh nghiệp mà có giám đốc và quản lý nắm nhiều hơn cổ phần thì trả cổ tức ở mức cao hơn. Như lập luận của Chetty trong nghiên cứu “Dividend and Corporate Taxation in an Agency Model of the Firm”, hiện tượng này hàm ý rằng các nhà quản lý có xu hướng đầu tư thu nhập lâu dài (retained earnings) vào các dự án “an toàn” (“unproductive” projects) hơn là phân bổ vào cổ tức. 

Ngoài những thành quả trong nghiên cứu chính sách thuế, Chetty còn những đóng góp vào lý thuyết bảo hiểm xã hội (social insurance literature). Trong nghiên cứu “Moral Hazard vs. Liquidity and Optimal Unemployment Insurance,” ông sử dụng dữ liệu ở Hoa Kỳ để chứng minh rằng người nhận bảo hiểm thất nghiệp, những người bị giới hạn thanh khoản, lấy ví dụ là do họ thế chấp tài sản để chi tiêu hoặc là họ sống một mình và không có người khác trong gia đình hỗ trợ, có xu hướng quan tâm nhiều hớn đến thu nhập khi làm việc. Một cách tranh cãi, những người mất việc nhận khoản trợ cấp một lần (lump-sum payments) lớn hơn thì thích duy trì tình trạng thất nghiệp hơn. Ông dựa trên các phân tích này để xây dựng mức tối ưu cho bảo hiểm thất nghiệp, và tìm thấy tỷ lệ thay thế bảo hiểm thất nghiệp trong điều kiện này là rất nhỏ. Trong nghiên cứu “Cash-on-Hand and Competing Models of Intertemporal Behavior: New Evidence from the Labor Market,” Chetty và cộng sự sử dụng dữ liệu ở Áo để khảo sát khả năng có hay không người lao động nếu rời khỏi lực lượng lao động với thời gian dài hơn thì khi họ tái gia nhập thị trường họ sẽ có khả năng tìm được công việc phù hợp hơn. Họ đã không tìm ra được bằng chứng nào trong trường hợp này.

Nghiên cứu “How Does Your Kindergarten Classroom Affect Your Earnings? Evidence from Project STAR” tìm hiểu tác động dài hạn của thí nghiệm từ dự án STAR ở bang Tennessee, trong đó học sinh được lựa chọn ngẫu nhiên vào học một lớp theo hai nhóm là: sĩ số ít hơn (nhóm thí nghiệm) và sĩ số thông thường (nhóm đối chứng). Chetty và cộng sự đã phối hợp với Internal Revenue Service để tìm hiểu mối quan hệ giữa dữ liệu học tập của học sinh ở STAR và dữ liệu thuế sau đó, từ đó cho phép họ ước lượng tác động dài hạn của sĩ số lớp học. Quan trọng hơn, họ nhận thấy rằng việc gán ngẫu nhiên các quy mô lớp học (sĩ số) khác nhau thì cần phải gắn với việc gán ngẫu nhiên giáo viên dạy, điều này cho phép họ ước lượng được tác động của chất lượng giáo viên đến kết quả học tập dài hạn của học sinh. Nghiên cứu lặp lại cho thấy kết quả tác động của chất lượng giáo viên (và sĩ số nhỏ) đến kết quả bài kiểm tra của học sinh không rõ ràng, nhưng các tác giả tìm thấy có sự tồn tại các tác động này đến thu nhập của học sinh và đóng góp vào sự thành công trong khoảng thời gian sau đó. Nghiên cứu này đã làm sáng tỏ hai vấn đề: thứ nhất là về các chính sách chăm sóc trẻ em, và thứ hai là tác động của đầu vào giáo dục như chất lượng giáo viên. Chetty đã chuẩn hóa chiến lược nhận dạng (identification strategy) được phát triển trong một nghiên cứu độc lập khác là “Identification and Inference with Many Invalid Instruments”.

“The Long-Term Impacts of Teachers: Teacher Value-Added and Student Outcomes in Adulthood” là một nghiên cứu tập trung vào tác động của việc cải thiện trình độ của giáo viên liên thời gian đến thu nhập của của học sinh trong dài hạn. Kết quả cho thấy giáo viên phụ trách lớp có trình độ càng được cải thiện (value-added teachers) thì học sinh càng có khả năng tốt nghiệp cao, và có mức thu nhập càng cao trong dài hạn.

Chetty cũng có một số đóng góp quan trọng về mặt phương pháp. Trong nghiên cứu “Sufficient Statistics for Welfare Analysis: A Bridge between Structural and Reduced-Form Methods,” ông gắn kết được hai vấn đề đối nghịch. Ý tưởng cho cách tiếp cận này là tồn tại các tham số “giản thức” (reduced form) quan trọng nhất quán với những sự thay đổi trong mô hình và có thể chuyển thành các tham số cấu trúc (structural parameters) mà có thể được ứng dụng để xây dựng chính sách, ví dụ như công thức Harberger để tính toán gánh nặng vượt mức của thuế. Chetty lập luận rằng trong những trường hợp như vậy, không cần thiết phải đặt nặng vấn đề đâu là mô hình tốt nhất bởi vì bất cứ mô hình cấu trúc nào được chấp nhận đều cho kết quả chính sách như nhau. Một ví dụ khác áp dụng trên thị trường bảo hiểm, trong đó ước lượng của giá trị bảo hiểm có thể là khác biệt giữa độ hữu dụng biên của tiêu dùng trong điều kiện thuận lợi và bất lợi.  Tuy nhiên, Chetty cũng minh họa những phương pháp ước lượng chênh lệch money-metric giữa độ hữu dụng biên của tiêu dùng trong điều kiện thuận lợi và bất lợi khác nhau có thể dẫn đến các khuyến nghị chính sách khác nhau. Nghiên cứu này khuyến khích mô hình cấu trúc vững  và nhấn mạnh nhiều hơn việc chuyển các ước lượng giản thức thành các tham số cấu trúc liên quan chính sách đáng tin cậy.

Trong nghiên cứu “A New Method of Estimating Risk Aversion,” Chetty quan sát thấy nếu hữu dụng biên của tài sản dài hạn (lifetime wealth) giảm nhanh khi số tài sản tăng lên–biểu hiện của hành vi né tránh rủi ro (risk averse) cao–thì các cá nhân có đặc tính này nên làm việc ít hơn khi mức lương của họ (và cả tài sản dài hạn) tăng lên. Ông sử dụng kết quả này để xây dựng các ràng buộc cho các giới hạn trên của hành vi né tránh rủi ro (risk aversion) dựa trên số liệu độ co giãn cung lao động. Trong nghiên cứu “Consumption Commitments and Risk Preferences,” ông lập luận sâu hơn rằng các mô hình tiêu dùng chuẩn (standard models of consumption) dường như không được giải thích đúng do những ràng buộc tiêu dùng, chẳng hạn cầm cố nhà ở, điều này làm cho rủi ro tiêu dùng ngoài dự tính lớn hơn so với niềm tin trước đó. Một cách trái ngược, các tác động này có thể làm cho các cá nhân chấp nhận rủi ro “big-payoff” lớn hơn để né tránh nắm giữ tài sản, ví dụ bán nhà. Trong nghiên cứu “Interest Rates, Irreversibility, and Backward-Bending Investment,” ông chứng minh các phân tích tương tự có thể được áp dụng cho các doanh nghiệp. Lãi suất cao có thể làm cho một công ty gánh thêm nợ nếu chấp nhận đầu tư nhiều hơn để kiếm lời nhanh chóng, và chính điều này lại dẫn đến đường cầu đầu tư non-monotonic (non-monotonic investment demand curve).

Raj Chetty là kinh tế gia trẻ tuổi có “năng suất” đáng kể, mà những đóng góp của ông đều được công nhận là những bằng chứng cho việc sử dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học trong việc giải quyết các bài toán về chính sách công. Nghiên cứu của ông mở rộng lý thuyết giá (price theory) truyền thống khi tích hợp thêm yếu tố hành vi và tâm lý của hành vi kinh tế; gắn kết một cách có ý nghĩa các kết quả từ nhiều nhánh khác nhau của kinh tế học, khả năng kết hợp giữa các nhà kinh tế học cấu trúc và giản thức, hoặc trong các ước lượng bất nhất trước kia cho các tham số như độ co giãn cung lao động; và sử dụng dữ liệu một cách nhất quán để trả lời nhiều câu hỏi nghiên cứu khác nhau còn bỏ ngỏ. Ông đã cho thấy mình là một nhà kinh tế học vi mô ứng dụng hàng đầu trong thế hệ của ông.